Mục lục
Khi đại dịch đi qua, người ta không còn đi du lịch chỉ để nhìn ngắm những danh lam thắng cảnh nức tiếng nữa. Xu hướng du lịch sau COVID-19 đã thay đổi mạnh mẽ như cách mà virus CORONA đã thay đổi thế giới trong 2 năm qua. Cùng chúng tôi điểm mặt 7 xu hướng nổi bật và được quan tâm nhất nhé.
1. Du lịch trong nước
Diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến cho những người yêu thích du lịch trở nên dè dặt hơn khi chọn địa điểm du lịch. Đã không còn cái thời du khách nằm dài trên bãi biển cách xa nhà hàng nghìn cây số. Giờ đây, du khách ưu tiên di chuyển trong nước và lựa chọn các khu du lịch địa phương gần nơi sinh sống.
Việc người dân chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ ở một số quốc gia đã làm hạn chế du lịch quốc tế. Hơn nữa, phần lớn các nước vẫn thực hiện giãn cách và hạn chế nhập cảnh để tránh dịch bệnh lây lan. Trong bối cảnh hiện tại, những địa điểm gần, những nơi dễ dàng di chuyển đến được xem là lựa chọn tối ưu cho khách du lịch tự túc nói riêng và du khách nói chung.
2. Du lịch theo nhóm nhỏ
Du lịch theo nhóm nhỏ bạn bè, gia đình trở nên phổ biến hơn. Sau cả năm trời xa cách, ai cũng mong muốn được gặp lại những người thân yêu của mình để thực hiện một chuyến du lịch chung.
Có lẽ, thời gian dài bị cách ly xã hội làm người ta cảm thấy đi du lịch một mình không còn nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, họ nhận ra chính những người đồng hành và những kỷ niệm cùng nhau tạo ra trong chuyến đi mới là điều khiến chuyến du lịch trở nên đáng nhớ.
Khi du lịch theo nhóm nhỏ, du khách cũng hạn chế rủi lo lây lan dịch bệnh. Điều này phù hợp với bối cảnh hiện tại khi hầu hết các địa điểm đều hạn chế tập trung đông người. Một điều đáng cân nhắc nữa là du lịch theo nhóm có thể giúp du khách tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.
3. Du lịch kết hợp làm việc
Hầu hết mọi người đều đã quen với làm việc từ xa khi giãn cách xã hội. Người ta có thể làm việc ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Du lịch kết hợp làm việc từ đó nổi lên như một xu hướng du lịch mới hậu COVID-19.
Khách du lịch dần chuyển sang chọn địa điểm du lịch riêng tư với phong cảnh đẹp, yên tĩnh, truyền cảm hứng cho công việc của họ. Họ có thể tận hưởng kỳ nghỉ kéo dài của mình hàng tháng trời mà vẫn hoàn thành công việc đúng hạn.
4. Du lịch trải nghiệm thiên nhiên
Sau đại dịch, mọi người có nhiều lý do để yêu quý và bảo vệ thiên nhiên xung quanh hơn. Xu hướng du du lịch hậu COVID-19 cũng dần dịch chuyển về vùng ngoại ô – nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang dã, nguyên sơ thay vì những địa điểm đông du khách do con người sáng tạo.
Xu hướng du lịch sinh thái dẫn đến sự phát triển mạnh của các hoạt động thể chất ngoài trời như leo núi, đạp xe, bơi lặn. Việc ở trong nhà quá lâu cũng khiến cho mọi người muốn vận động nhiều hơn. Tìm kiếm những trải nghiệm ngoài trời mạo hiểm là một trong những cách mà người đam mê du lịch thể hiện điều đó.
Không chỉ vậy, dịch bệnh khiến cho người ta càng trân trọng sức khoẻ và cuộc sống ngắn ngủi này. Nhiều người trước đây chưa bao giờ tham gia các hoạt động ngoài trời thì bây giờ lại càng hứng thú trải nghiệm hơn.
5. Du lịch ưu tiên an toàn
Du lịch sau COVID-19 là thời kỳ du lịch an toàn và thông minh.
Khách du lịch ngày càng có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về chuyến đi của mình trước khi đặt vé hay đặt chỗ ở. Việc xem xét chi phí chuyến đi một cách hợp lý cũng được chú ý hơn.
Ngoài ra, họ có xu hướng tìm những dịch vụ du lịch có chính sách hủy/hoàn trả rõ ràng. Do đó, những dịch vụ như đặt phòng lưu trú có sự linh động trong việc đổi ngày mà không bị tính thêm phí sẽ được du khách ưu tiên hơn.
Du khách, những người thông minh và tỉnh táo, càng kỳ vọng cao hơn không chỉ về những trải nghiệm nâng cao sức khoẻ, tinh thần mà còn về vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh của địa điểm du lịch. Chẳng hạn như, homestay cung cấp thêm nước rửa tay và xịt kháng khuẩn ở mỗi phòng.
Đặc biệt, bảo hiểm sức khỏe sẽ được chú ý hơn. Khách du lịch cũng ưu tiên đến những điểm có hệ thống y tế hiện đại hoặc những nơi đã có hơn 70% người dân được tiêm vắc-xin.
6. Du lịch chậm để tận hưởng
Không hối hả, đó là phương châm du lịch thời kỳ bình thường mới sau COVID-19. Du lịch chú tâm vào chất lượng của chuyến đi hơn là số lượng điểm đến.
Không còn là vấn đề di chuyển liên tục từ thành phố này đến thành phố khác. Giờ đây, người ta mong muốn dành thời gian nhiều hơn, có thể một tháng hoặc lâu hơn, để khám phá nét văn hoá đặc trưng của một địa điểm du lịch.
Ví dụ điển hình có thể kể đến là sự thay đổi trong thói quen sử dụng phương tiện di chuyển của du khách. Từ homestay, họ đi bộ hoặc đạp xe xung quanh địa điểm du lịch để gặp gỡ người dân bản địa, tìm hiểu văn hoá ẩm thực và những phong tục tập quán đặc biệt của vùng đất đó.
7. Du lịch tập trung vào con người
Thay vì tập trung vào địa điểm thu hút đông du khách như trước đây, thời kỳ du lịch sau đại dịch tập trung vào cung cấp dịch vụ và nhu cầu của khách du lịch.
Sau đại dịch, những chuyến du lịch có xu hướng trở nên chậm rãi hơn và ý nghĩa hơn. Đó không đơn thuần là đi để chiêm ngưỡng cảnh vật và có những bức hình đẹp nữa, nó còn là việc những trải nghiệm đó đem lại cho họ cảm nhận thế nào, mang ý nghĩa đối với họ ra sao.
Không chỉ vậy, khách du lịch còn mong muốn phát triển bản thân qua chuyến du lịch. Họ kỳ vọng nhiều hơn về một chuyến đi giúp họ nâng cao kỹ năng xã hội, hoặc ít nhất là cải thiện sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần.
Với tình hình tiêm chủng vắc-xin được mở rộng trên toàn thế giới, chúng ta vẫn hy vọng lại được du lịch vào một ngày không xa trong tương lai. Còn bây giờ, hãy giữ sức khoẻ thật tốt và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để kịp “bắt trend” du lịch ngay khi đại dịch kết thúc nhé!