Từ lâu, Y Tý – Lào Cai đã trở thành địa điểm săn mây, check-in mùa lúa chín hấp dẫn đối với những bạn trẻ thích trải nghiệm, khám phá. Dưới đây là kinh nghiệm đi Y Tý chi tiết mà bạn có thể tham khảo!

Vài nét về Y Tý Sapa

Y Tý nằm ở phía Tây huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cao, cách thành phố Lào Cai chừng 100km. Địa điểm này nằm ở độ cao hơn 2000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San và đỉnh của nó cao đến 2660m, mây gần như bao phủ quanh năm. Vì vậy, nơi đây được gọi là “vùng đất mù sương”.

Y Tý cách Sapa khoảng 70km, là một vùng đất hoang sơ cất giữ vẻ đẹp của thiên nhiên mà bạn khó có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu. Ở khu vực này, có khoảng 1000 hộ sinh sống thuộc 16 thôn bản và 4 dân tộc anh em gồm: Hà Nhì, Mông, Kinh và Dao. Do đó, bản sắc văn hóa và nền ẩm thực ở đây vô cùng đa dạng và phong phú.

Đến nơi đây, bạn sẽ được đắm chìm trong khung cảnh lãng mạn trời mây, những ruộng bậc thang trải dài bất tận và dãy núi cao hùng vĩ. Hòa mình với thiên nhiên ở đây, mọi ưu phiền trong cuộc sống gần như dần tan biến. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không xách balo lên và đến Y Tý trải nghiệm ngay thôi!

Y Tý nằm ở phía Tây huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cao, cách thành phố Lào Cai chừng 100km
Y Tý nằm ở phía Tây huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cao, cách thành phố Lào Cai chừng 100km

Du lịch Y Tý mùa nào đẹp?

Tùy vào thời gian cá nhân, bạn có thể sắp xếp đi đến đây vào thời điểm phù hợp với mình. Để có một chuyến đi trọn vẹn, bạn nên tham khảo những thông tin sau:

  • Khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau (mùa săn mây): Bạn cần để ý thời tiết, nếu trời lạnh (đặc biệt là vào ban đêm) nhưng khô hanh giống mùa thu thì có thể đi săn mây.
  • Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4: Các loài hoa đỗ quyên nở rực rỡ khắp khu rừng già nơi đây.
  • Từ tháng 5 đến tháng 6: Mùa nước đổ, lúc này, những cánh đồng ở đây đẹp như tranh vẽ.
  • Ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 Âm lịch (tùy năm có thể rơi vào tháng 7 đến 8): Nếu thích tham gia lễ hội lớn nhất của người Hà Nhì trong năm, bạn có thể đến lễ hội Khô Già Già.
  • Cuối tháng 8 đến gần cuối tháng 9: Mùa lúa chín (tùy vào mỗi năm). Trong những năm gần đây, người dân cố gắng để lúa chín vào đúng các dịp lễ hội mùa thu (khoảng tuần sau của tuần có ngày 2/9).
  • Vào mùa đông cuối năm, Y Tý là một trong những khu vực có tuyết rơi giống như Sapa và Mẫu Sơn.

Cách đi đến Y Tý

Từ Hà Nội đến Lào Cai

Từ Hà Nội đến Lào Cai, bạn có thể đi bằng tàu hỏa hoặc xe khách giường nằm. Thời gian từ Hà Nội đến Lào Cai khoảng 8 tiếng đối với tàu hỏa và 5 tiếng với ô tô. Vé xe khách giường nằm của các hãng là khoảng 250.000VNĐ và 400.000VNĐ đối với vé tàu cho ghế nằm mềm khoang 4. Nếu đến Lào Cai bằng tàu hỏa, bạn nên đi chuyến 22:00 thì khoảng 6:00 sáng là đến Lào Cai, ăn sáng trước khi đến Y Tý.

Từ Lào Cai đến Y Tý

Tuy chỉ cách Lào Cai khoảng 80km (theo đường Bát Xát – A Lù) nhưng thời gian đến Y Tý khá lâu, khoảng từ 5 đến 6 tiếng (chưa tính thời gian dừng dọc đường ngắm cảnh và chụp ảnh). Phương tiện di chuyển phổ biến và tiện lợi nhất hiện nay là thuê xe máy tại Lào Cai hoặc Sapa. Nếu không muốn thuê xe máy, bạn có thể gửi xe máy từ Hà Nội bằng tàu hỏa rồi nhận tại Lào Cai. Nếu có ô tô, bạn cũng có thể di chuyển đến Y Tý.

Bạn có thể gửi xe máy từ Hà Nội bằng tàu hỏa rồi nhận tại Lào Cai
Bạn có thể gửi xe máy từ Hà Nội bằng tàu hỏa rồi nhận tại Lào Cai

Đi theo đường Bát Xát – Y Tý

Hiện nay, đường vào Y Tý theo hướng Bát Xát đẹp hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão sẽ thường xuyên bị sạt lở, lũ quét và có thể làm hỏng đường. Trước khi đi phượt ở đây, bạn nên theo dõi dự báo thời tiết hoặc những thông tin về tình hình sạt lở rồi mới quyết định nên đi hay không.

Đi theo đường Sapa – Y Tý

Từ Sapa, bạn đi theo hướng đèo Ô Quy Hồ, đến ngã 3 có biển chỉ Bản Xèo và Lai Châu thì rẽ phải theo hướng Bản Xèo (Đường DT155 trên Google Maps) tầm 20km. Sau đó, sẽ có một ngã 3 đi chợ Mường Hum, bạn rẽ trái đi về phía chợ. Qua chợ Mường Hum, có một biển dẫn đi Y Tý, bạn cứ đi thẳng đường DT158 khoảng hơn 30km là sẽ đến nơi.

Nhà nghỉ và homestay

Tuy Y Tý chưa phát triển như những điểm du lịch khác, nhưng số lượng nhà nghỉ, homestay đã xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ du khách. Nếu nhà nghỉ hoặc homestay quá đông và không có chỗ ngủ, bạn có thể nhờ đồn biên phòng trợ giúp hoặc mang theo lều để ngủ tạm.

Dưới đây là danh sách nhà nghỉ, homestay đẹp ở đây mà bạn có thể tham khảo. Giá chỉ từ 100.000 đến 200.000VNĐ/đêm.

Nhà nghỉ/Homestay Địa chỉ Số điện thoại
Y Tý Homestay Thôn Ngải Chồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. 0888 502 492
Cô Si Homestay Y Tý Xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. 0814 546 667
Discover Homestay Y Tý Thôn Nhìu Cồ San, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. 098 521 55 64
A Dè Homestay Xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, Lào Cai. 091 333 87 81
Y Tý Clouds Homestay Thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. 096 176 54 31
Homestay Minh Thương Thôn Ngải Chổ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai. 091 672 9534

Những địa điểm du lịch Y Tý đẹp và độc đáo mà bạn chớ bỏ qua!

Những điểm du lịch trong bài được sắp xếp theo hướng từ thành phố Lào Cai đi Bát Xát. Từ đây, bạn đi dọc theo sông Hồng đến Lũng Pô, chạy vào Y Tý, nghỉ ngơi và hôm sau đi Dền Sáng, Dền Thàng, Mường Hum qua Sapa rồi về lại thành phố Lào Cai.

Mốc 92 – Ngã 3 Lũng Pô

Đây là nơi sông Nguyên Giang (Trung Quốc) gặp dòng Lũng Pô (Việt Nam) hòa vào nhau và chảy vào đất Việt thành sông Hồng. Đây cũng là nơi có mốc 92 gồm: 92(1), 92(2), 92(3) – biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Mốc đặt ở phía Việt Nam là mốc 92(1), 2 mốc còn lại đặt bên bờ sông phía Trung Quốc.

Mốc 92(1) - Ngã 3 Lũng Pô được đặt ở Việt Nam
Mốc 92(1) – Ngã 3 Lũng Pô được đặt ở Việt Nam

A Lù

Người dân địa phương ở đây thường có câu “Dốc A Lù – sương mù Y Tý” để nói lên sự vất vả khi đi qua A Lù. Đường đến A Lù sẽ đưa bạn trải qua mọi cung bậc cảm xúc vì sự thay đổi từ đường nhựa sang đường đất hoặc đang đi bỗng dưng không còn đường mòn để đi.

A Lù có địa hình khá đặc biệt vì bị chia cắt bởi những dãy núi cao, thấp và nhấp nhô trùng điệp. Đồng thời, giao thông ở đây cũng vô cùng khó khăn nên A Lù mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.

Ngải Thầu

Đoạn đường từ A Lù đến Ngải Thầu được xem là một trong những cung đường đẹp nhất trong hành trình khám phá Y Tý vào mùa lúa chín. Bên cạnh đó, Ngải Thầu cũng có khí hậu ôn đới, quanh năm mây mù bao phủ nên đây cũng là một trong những điểm săn mây lý tưởng ở Y Tý.

Thung lũng Thề Pả

Thung lũng Thề Pả đã được công nhận là di tích quốc gia, với hàng nghìn thửa ruộng bậc thang uốn lượn và trải dài hơn 5km từ thôn Choản Thèn đến cầu Thiên Sinh. Theo tiếng địa phương, Thề Pả là ruộng chân núi hoặc ruộng đáy. Ruộng bậc thang ở đây chủ yếu do người Mông và Hà Nhì canh tác.

Thung lũng Thề Pả đã được công nhận là di tích quốc gia
Thung lũng Thề Pả đã được công nhận là di tích quốc gia

Chợ phiên Y Tý

Chợ phiên Y Tý thường diễn ra vào thứ 7 mỗi tuần và bán nhiều loại rau, củ, quả do chính đồng bào các dân tộc trồng trọt, thu hoạch. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để những chàng trai, cô gái dân tộc diện các bộ trang phục đẹp nhất. Khi đến chợ, mọi người thường mang theo các mặt hàng để bày bán như: nông sản, đồ gia dụng, may mặc, cày, cuốc,… 

Lảo Thẩn

Đỉnh Lảo Thẩn nằm ở độ cao 2860m, được ví như nóc nhà của Y Tý với hình dáng như kim tự tháp, thế núi mạnh mẽ vươn trên tầng mây. Đây cũng là địa điểm săn mây lý tưởng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Đường lên Lảo Thẩn không quá gian nan nhưng bạn cần chuẩn bị sẵn một sức khỏe và thể lực thật tốt.

Thôn Hồng Ngài

Thôn Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã, nằm ở tận cùng biên giới tỉnh Lào Cai, có độ cao hơn 2000m so với mặt nước biển. Ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông với hơn 50 hộ sinh sống. Dù là thôn xa nhất nhưng người dân ở đây có cuộc sống tương đối ổn định, vì thôn trồng nhiều cây thảo quả – một loại nông sản mang lại giá trị cao. 

Thôn Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã Y Tý, nằm ở tận cùng biên giới của tỉnh Lào Cai
Thôn Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã Y Tý, nằm ở tận cùng biên giới của tỉnh Lào Cai

Thôn Lao Chải – Tả Van

Lao Chải – Tả Van là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 7km. Nếu từ trung tâm thị trấn Sapa, bạn có thể đi dọc theo phố Cầu Mây rồi rẽ sang phố Mường Hoa.

Lao Chải – Tả Van nằm dưới thung lũng, bao quanh bản là những ruộng bậc thang trải dài. Những thửa ruộng này đã có từ lâu, được người dân ở đây cải tạo và trở thành các cánh đồng ruộng bát ngát. Mỗi khi đến mùa gặt, cả cánh đồng được nhuộm lên màu vàng ươm của lúa chín. Do đó, nhiều người đã chọn thời điểm này để đến tham quan và check in.

Thôn Sim San

Sim San là một thôn cách trung tâm xã Y Tý 10km, có khoảng 100 hộ. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào việc trồng ngô và lúa. Vì địa hình nằm ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình từ 15 đến 20oC nên chỉ sản xuất 1 vụ nông sản trong năm. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, người Dao ở thôn Sim San đã làm ra một loại rượu vừa thơm, vừa ngon và lấy tên thôn đặt cho sản phẩm – rượu Sim San.

Thôn Phan Cán Sử

Là một trong 2 thôn cao nhất của xã Y Tý, cách trung tâm khoảng 6km. Đường đến thôn Phan Cán Sử phải vượt qua nhiều con dốc nên khá vất vả.

Thôn Phan Cán Sử
Thôn Phan Cán Sử

Cầu Thiên Sinh

Cầu Thiên Sinh nằm cuối thôn Lao Chải, theo tiếng dân tộc nghĩa là cầu “trời sinh”. Trước đây, nơi này có một tảng đá bắc qua khe sâu của suối Lũng Pô. Theo thời gian, hòn đá đã bị bào mòn nên người dân đã sử dụng thanh gỗ làm cầu, sau này xây bằng bê tông. Từ trên cây cầu nhìn xuống, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của suối Lũng Pô – thượng nguồn của thác Bát Xát.

Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen

Lễ hội Khô Già Già (lễ cầu mùa, cầu mưa) của người Hà Nhì đen, huyện Bát Xát đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia vào ngày 19/12/2014, thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Đây là lễ hội cầu mùa lớn và lâu đời nhất của người Hà Nhì đen, được tổ chức từ ngày Thìn (ngày con Rồng) đến ngày Thân (ngày con Khỉ) trong tháng 6 Âm lịch mỗi năm. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để con cháu tìm về với ông bà, tổ tiên, cha mẹ và mọi người giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết với nhau.

Có thể nói, lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen được tổ chức từ ngày Thìn đến ngày Thân trong tháng 6 Âm lịch mỗi năm
Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen được tổ chức từ ngày Thìn đến ngày Thân trong tháng 6 Âm lịch mỗi năm

Dền Sáng

Ruộng bậc thang ở đây rất đẹp, màu vàng ươm mà không nơi nào có được. Theo chia sẻ của người dân địa phương, ruộng bậc thang được cấy bằng giống lúa của Dền Sáng nên có ánh vàng tự nhiên và đẹp nhất ở Lào Cai. Ruộng nằm ngay bên đường lên xã nên khá thuận tiện cho việc chụp hình.

Bên cạnh đó, người dân ở Dền Sáng đã biết tận dụng lợi thế về nguồn nước và khí hậu để phát triển ngành nuôi cá nước lạnh. Đến nay, trên địa bàn có hơn 10 cơ sở nuôi cá với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

Chợ Mường Hum

Chợ nằm ở trung tâm xã Mường Hum, huyện Bát Xát, thường họp vào Chủ Nhật hàng tuần. Đến ngày họp chợ phiên, dòng người từ các bản làng vùng cao như xã Dền Sáng, Mường Vi,…đổ về đông như trẩy hội. Người dân nơi đây đi ngựa, đi bộ và mang hàng hóa đến chợ trao đổi, mua bán. Khi tham gia chợ Mường Hum, du khách sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản của người dân tộc Dao, Giáy, Mông,… đặc biệt là đồ trang sức bằng bạc do người Dao chế tác.

Chợ Mường Hum thường họp vào Chủ Nhật hàng tuần
Chợ Mường Hum thường họp vào Chủ Nhật hàng tuần

Các quán ăn ngon ở địa điểm du lịch

Trước khi đến đây, bạn nên gọi điện cho quán ăn từ hôm trước để họ còn đi chợ và chuẩn bị đồ ăn vào sáng hôm sau. Giống như những khu vực vùng cao Tây Bắc khác, đến Y Tý, bạn có thể thưởng thức các món ăn như: gà chạy bộ, thịt lợn cắp nách, rau cải mèo,…

Danh sách quán ăn ngon Số điện thoại
Quán ăn chị Lệ 0844 413 718
Quán Vọng Hằng 0214 350 1299
Quán Hồng Hoa 0912 365685
Quán Yến Thế 0327 663 338
Quán Minh Thương 0916 729 534
Quán Minh Hằng 0855 488 428

Đặc sản ở khu vực này

Nấm hương Y Tý

Nấm hương Y Tý thường được đem nướng với thịt lợn rừng, xào cùng lạp xưởng gác bếp hoặc nấu canh xương. Nấm Y Tý có nhiều vào mùa hè và thường mọc nhiều sau mỗi đợt mưa. Bên cạnh đó, còn có một số loại nấm khác như: nấm thông, nấm sò,…

Bia Hà Nhì

Đây là một loại bia của người Hà Nhì, được nấu từ gạo nếp và trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, họ sẽ chọn loại gạo nếp có hạt tròn đều, được phơi đủ nắng. Tiếp đến, đem đi ngâm gạo, đãi sạch và đồ thành xôi. Khi xôi chín, họ sẽ trải xôi ra mẹt và để nguội.

Bia Hà Nhì được nấu từ gạo nếp và trải qua rất nhiều công đoạn
Bia Hà Nhì được nấu từ gạo nếp và trải qua rất nhiều công đoạn

Củ Hà Sin Cô

Củ Hà Sin Cô (Hoàng Sin Cô) có bề ngoài giống củ khoai lang, phần thịt bên trong màu vàng nhạt. Sau khi gọt vỏ, bạn có thể ăn sống. Củ Hà Sin Cô nhiều nước, vị giòn, ngọt nhẹ và thanh mát. Vì vậy, loại củ này có công dụng giải khát, nhuận tràng, thanh lọc cơ thể,… được nhiều du khách yêu thích mua về làm quà.

Trên đây là những kinh nghiệm du lịch Y Tý chi tiết mà bạn có thể tham khảo. Nếu bạn đang có kế hoạch đi du lịch tự túc cùng gia đình, bạn bè, Gobooyaa sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo. Hãy bấm vào mục “Đăng yêu cầu” trên trang web, chọn địa điểm, ngày, số người và lộ trình để được cung cấp phương tiện phù hợp với chuyến đi.

Leave a Reply